Quan hệ đối với con người Rhincodon

Hành vi đối với các thợ lặn

Cá nhám voi bơi cùng thợ lặn

Dù có kích thước to lớn nhưng cá nhám voi lại không gây nguy hại gì đối với con người. Đây là loài cá rất thân thiện và đôi khi còn cho phép những người bơi lội cưỡi lên chúng,[25][26][27] mặc dù cách làm này không được các nhà khoa học và bảo tồn cá mập khuyến khích vì nó sẽ làm phiền cá nhám voi.[28] Trong khi đó, những cá thể có tuổi đời trẻ hơn rất hiền lành và có thể chơi đùa với các thợ lặn. Một số nhiếp ảnh gia dưới nước, chẳng hạn như Fiona Ayerst, đã chụp những bức ảnh khi chúng bơi gần con người mà không gặp phải bất kỳ vấn đề gì.[29]

Cá nhám voi được các thợ lặn bắt gặp ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Islas de la BahíaHonduras, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Maldives, Hồng Hải, Tây Úc (Rạn san hô Ningaloo, Đảo Giáng Sinh), Đài Loan, Panama (Coiba), Belize, Bãi biển Tofo ở Mozambique, Vịnh Sodwana (Công viên ngập nước iSimangaliso) ở Nam Phi,[29] Quần đảo Galápagos, Saint Helena, Isla Mujeres (Biển Caribbean), La Paz, Baja California SurBahía de los Ángeles ở Mexico, Seychelles, Tây Malaysia, các đảo ngoài khơi phía đông Malaysia bán đảo, Ấn Độ, Sri Lanka, Oman, Fujairah, Puerto Rico, cũng như các vùng thuộc Caribbean.[25] Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy cá nhám voi con ở cận bờ Vịnh Tadjoura, gần quốc gia Djibouti trong khu vực Sừng châu Phi.[30]

Tình trạng bảo tồn

Hiện không có ước tính chính xác về quần thể cá nhám voi trên toàn cầu. Loài này được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân vào diện nguy cấp do tác động của nghề cá, thiệt hại do đánh bắt không chủ ý và va chạm với tàu thuyền, cộng với việc loài này có tuổi thọ dài và tốc độ trưởng thành muộn (30 tuổi).[2][31] Vào tháng 6 năm 2018, Cục Bảo tồn New Zealand đã phân loại cá mập voi vào loại "Di trú"[lower-alpha 1] kèm theo định tính "An toàn hải ngoại" theo Hệ thống phân loại đe dọa của New Zealand.[32]

Cá nhám voi, cùng với sáu loài cá mập khác, được đưa vào Bản ghi về Bảo tồn Các loài Cá mập Di cư của CMS.[33] Năm 1998, Philippines đã cấm mọi hoạt động đánh bắt, buôn bán, nhập khẩu và xuất khẩu cá nhám voi vì mục đích thương mại,[34] sau đó các quốc gia Ấn Độ, Đài Loan cũng lần lượt áp dụng điều lệnh này vào tháng 5 năm 2001[35] và tháng 5 năm 2007.[36]

Năm 2010, vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico xảy ra, dẫn đến việc 4.900.000 thùng dầu (780.000 m3) tràn vào một khu vực phía nam của vùng Châu thổ sông Mississippi. Tại nơi đấy, một phần ba số vụ bắt gặp cá nhám voi ở phần phía bắc của vịnh liên tiếp diễn ra trong vài năm gần đây. Các nhân chứng đã xác nhận rằng cá nhám voi không thể nào tránh khỏi vết dầu loang trên mặt biển, nơi mà chúng kiếm ăn trong vài giờ đồng hồ. Tuy vậy, người ta lại không tìm thấy bất kỳ xác chết của một con cá nhám voi nào.

Ngoài ra, loài này cũng được bổ sung vào Phụ lục II của Công ước về Thương mại Quốc tế Các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) năm 2003 để quy định lại việc buôn bán quốc tế các mẫu vật sống cũng như bộ phận của chúng.[37]

Có đến hàng trăm con cá mập voi bị giết hại mỗi năm ở Trung Quốc để lấy vây, da và dầu.[38]

Liên quan